Những thành phần cụ thể để trình bày một CV

Tuy nhiên, nếu người viết không chỉ liệt kê khả năng cá nhân đơn thuần như vậy mà giải thích thêm một chút về sự cần thiết và tính ứng dụng của khả năng ấy với công việc ứng tuyển thi hiệu quả sẽ cao hơn.
LƯU Ý CÁC PHẦN CỦA MỘT CV

1. PERSONAL DATA (THÔNG TIN CÁ NHÂN)

Trước hết, chúng ta sẽ đi phân tích về phần thông tin cá nhân, phần cơ bản đầu tiên mà bản CV nào cũng cần phải có.

Theo lời các chuyên viên tư vấn nhân sự, có các lỗi sau đây thường gặp phải trong quá trình ứng viên viết CV. Đó là:

– Viết quá dài dòng và đề cập quá sâu về gia đình.

– Cách thức liên lạc quá ít, dẫn tới khi nhà tuyển dụng dùng một cách liên lạc không được là không thể liên hệ được với các bạn.

– Không đưa kèm thông tin liên lạc vào bản CV hoặc để thông tin liên lạc ở chỗ dễ bị rơi rớt, như là trang cuối của bản CV.

Các bạn hãy nhớ kỹ rằng nhà tuyển dụng thường không quan tâm nhiều đến việc bố mẹ hay anh chị em bạn làm gì, ở đâu mà điều quan trọng là chính bạn. Vì vậy phần thông tin cá nhân cơ bản chỉ cần ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, nơi sinh, tình trạng hôn nhân và số điện thoại liên lạc, email, số fax là đủ.
Ngoài ra, các bạn lưu ý đưa ra thông tin liên lạc càng chi tiết và chính xác càng tốt để nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn hẹn phỏng vấn một cách dễ dàng, thuận lợi.

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng đáng lưu tâm đó là các bạn hãy cố gắng đặt phần thông tin liên lạc của các bạn ở ngay trang đầu và ở phần trên cùng của bản lý lịch. Điều đó sẽ giúp nhà tuyển dụng có thể dễ dàng liên lạc với các bạn để hẹn phỏng vấn.

2. EDUCATION BACKGROUND (QUÁ TRÌNH HỌC TẬP)

Thông thường khi viết CV các bạn hay trình bày dàn trải quá trình học tập theo khung như: Quá trình học tập của bạn kéo dài bao lâu? Ngoài ra, bạn còn tìm cách liệt kê tất cả những kiến thức và thành tích học hành của mình. Điều này đôi khi khiến nhà tuyển dụng nghi ngại mức độ chuyên nghiệp của bạn.

Các bạn hãy nhớ rằng quá trình học tập chỉ trở nên quan trọng khi nó thuyết phục được người đọc mức độ phù hợp của bạn với công việc bạn đang ứng tuyển. Hơn thế nữa các nhà tuyển dụng cũng đang tìm kiếm những người có nhận thức về“chào hàng”. Vì vậy, hãy tập trung vào những chi tiết thực tế, cố gắng thể hiện kỹ năng “chào hàng” bằng việc nhấn mạnh đến những thành tích học tập phù hợp.

Các bạn không nên sử dụng bằng cấp giáo dục trung học chỉ trong trường hợp đó là chứng nhận giáo dục cao nhất của bạn hay bạn lần đầu tìm kiếm việc làm bởi điều đó sẽ “làm phiền” nhà tuyển dụng. Hãy cố gắng nhấn mạnh vào bằng cấp cao nhất và có giá trị nhất của các bạn.

Ngoài ra, trọng tâm của quá trình học tập phải được đặt vào thành tích nổi bật chứ không phải vào ngày tháng. Nếu các bạn đã từng học trung học phổ thông ở một trường chuyên rất nổi tiếng tập hợp những học sinh tài năng, được đánh giá cao hay các bạn đạt được giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh khi còn học trung học cơ sở thì đừng ngần ngại mà hãy đưa những thông tin giá trị ấy vào bản CV của các bạn. Bởi thời gian không thể xóa nhòa thành tích nổi bật ấy của các bạn. Nhà tuyển dụng sẽ bị gây ấn tượng bởi khả năng xuất sắc của các bạn.

Hơn thế nữa, nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm đến những bằng cấp và thành tích học tập liên quan trực tiếp cũng như bổ trợ cho vị trí mà họ đang tuyển dụng. Chính vì vậy, các bạn hãy thực sự lưu tâm đến điều đó.

3. WORKING EXPERIENCES (KINH NGHIỆM LÀM VIỆC)

Đây là phần được nhà tuyển dụng lưu tâm khá nhiều.

Sinh viên Việt Nam chúng ta thường chỉ tập chung đến việc học mà bỏ quên mất những cơ hội việc làm để tích lũy kinh nghiệm. Chính vì vậy nên họ thường khá bối rối khi bắt tay vào viết CV do thiếu thông tin để điền trong mục kinh nghiệm làm việc.

Vì lẽ đó, ngay bây giờ các bạn hãy gấp rút lăn xả vào thực tế, tìm kiếm những việc làm thêm để đúc kết kinh nghiệm cũng như có thông tin để ghi vào mục này.

Ngoài ra, các bạn đừng ngại tìm làm và liệt kê vào bản lý lịch của mình những kinh nghiệm như phát tờ rơi hay làm bồi bàn của mình. Bất kỳ công việc lao động chân chính nào cũng đều rất cao quý và giúp các bạn thu được kỹ năng, kinh nghiệm.

Ví dụ, qua việc chạy bàn các bạn sẽ nâng cao được khả năng giao tiếp của mình một cách đáng kể. Trường hợp các bạn phục vụ cho một nhà hàng có nhiều người nước ngoài tới ăn thì khả năng về ngoại ngữ của các bạn sẽ được cải thiện nhanh chóng. Bên cạnh đó, sự linh hoạt, nhanh nhẹn và khả năng ứng phó với nhiều tình huống khó khăn của các bạn cũng sẽ được trau dồi. Những kinh nghiệm cũng như kỹ năng quí báu ấy mà các bạn thu được từ việc phục vụ bàn sẽ bổ trợ cho rất nhiều công việc khác. Điều đó sẽ gây ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng. Chính vì vậy các bạn hãy cảm thấy thoải mái khi đảm nhận và liệt kê vào bản lý lịch của mình những công việc như vậy.

Điều quan trọng là các bạn phải làm nổi bật được những điều mà mình đã gặp hái từ công việc ấy và điều đó sẽ giúp ích được gì cho công việc mà bạn đang ứng tuyển.

Ngoài ra, đây là các điểm thường được chấm cho một CV tốt:

– Kinh nghiệm tốt: ở công ty to, lâu năm, tính chuyên môn cao. Gắn với vị trí đang ứng tuyển.

– Quá trình nghề nghiệp tiến dần, phát triển.

– Trong mô tả kinh nghiệm, nói được các thế mạnh thuộc về năng lực, nói rõ mình đã thu nhận được các kiến thức và kỹ năng nào từ từng công việc đã trải qua.

Ví dụ ở một bản CV tốt:

– Kinh nghiệm làm việc được người viết trình bày khá rõ ràng theo trình tự thời gian lúi dần. Từ kinh nghiệm mới nhất đến cũ nhất.

– Phần tên công ty và dự án người viết đã từng tham gia được viết hoa toàn bộ và bôi đen. Điều đó giúp gây ấn tượng tức thì với nhà tuyển dụng

Ví dụ: ORANGE GUM SINGAPORE at Vietnam Comm 07 Exhibition in Hanoi; TIGER KOVI MOBILE COMPANY, HANOI; JUNIOR TEAM CANADA đều là những công ty, dự án lớn chứng tỏ kinh nghiệm mà người viết thu được sẽ được đánh giá cao.

– Sau khi liệt kê thời gian và tên công ty, dự án người viết đã miêu tả ngắn gọn công việc, vị trí của mình khi thực hiện những dự án đó.

Việc trình bày ngắn gọn, rõ ràng như vậy sẽ giúp nhà tuyển dụng nhận diện những kinh nghiệm họ đòi hỏi ở ứng tuyển một cách nhanh chóng.

Phần miêu tả công việc được người viết sử dụng những cụm động từ ngắn, đứng đầu bằng V-ing và sử dụng chủ yếu những từ mang ý chính, súc tích để bổ trợ.

Cách miêu tả ấy hết sức hợp lý và hiệu quả bởi việc sử dụng cụm động từ đứng đầu bằng V-ing sẽ thể hiện sự trang trọng của bản CV. Ngoài ra cách viết ấy sẽ giúp nhà tuyển dụng bắt ý chính rất nhanh và chính xác. Tiết kiệm thời gian và giảm ức chế cho họ. Bởi nhà tuyển dụng thường là những người rất bận rộn.

Tuy nhiên sẽ là thiếu xót nếu người viết mới chỉ liệt kê và miêu tả phần kinh nghiệm làm việc của mình mà không đề cập đến những kết quả, thành tựu mà mình đã gặt hái được từ công việc ấy. Hoặc nếu người viết cũng không nhấn mạnh được những kinh nghiệm mà họ thu được từ quá trình làm việc ấy sẽ bổ trợ như thế nào cho công việc người viết đang ứng tuyển.

4. KEY SKILLS (KỸ NĂNG THEN CHỐT)

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, kỹ năng là một phần hết sức quan trọng và cần thiết để có thể thành công trong công việc. Chính vì vậy các nhà tuyển dụng thường chú trọng đến việc đánh giá kỹ năng của người ứng tuyển.

Nhà tuyển dụng thường rất bận rộn nên họ chỉ xem sơ qua hồ sơ của bạn. Và nếu họ thấy các kỹ năng của các bạn không liên quan đến công việc tuyển dụng thì họ sẽ đánh giá bạn không phù hợp với vị trí tuyển dụng.

Đồng thời, họ cũng không có thời gian để đọc chi tiết phần mô tả kinh nghiệm để xác định bạn có được kỹ năng họ cần không. Vì vậy, các bạn hãy thiết kế bản CV thật rõ ràng và làm nổi bật được các thông tin quan trọng nhất về kỹ năng của các bạn. Điều này sẽ giúp cho các nhà tuyển dụng có thể dễ dàng nắm bắt được kỹ năng của các bạn khi lọc hồ sơ.

Ví dụ một ở một CV tốt:

– Các kỹ năng được người viết bôi đen (Communication Skills, Computer Skills, Languages Skills) và đặt riêng phần, thẳng hàng để nhà tuyển dụng dễ quan sát và nắm bắt ngay cả khi đọc lướt.
Tuy nhiên, nếu như người viết bản CV mẫu không chỉ liệt kê kỹ năng mà còn giải thích những kỹ năng này có lợi như thế nào đối với công ty thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều.

Ví dụ: bản CV cho vị trí thư ký trình bày bạn có khả năng đánh máy 80 từ/phút. Bạn phải giải thích thêm tốc độ đánh máy nhanh và chính xác đem lại lợi ích gì cho công ty. Cách trình bày nên là: Có khả năng đánh máy 80 từ/phút, điều này sẽ giúp công ty tiết kiệm được chi phí thuê mướn nhân viên xử lý văn bản hàng năm. Như vậy sẽ gây được ấn tượng mạnh cho nhà tuyển dụng.

5. ACTIVITIES ( HOẠT ĐỘNG)

Đây cũng là phần quan trọng không kém, thể hiện cá tính và năng lực của bạn.

Một người tích cực tham gia những hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là chương trình tình nguyện thì sẽ chứng tỏ người đó có sức khỏe tốt (điều này rất quan trọng vì nếu khỏe mạnh người ứng tuyển mới có thể hoàn thành tốt công việc được giao).

Ngoài ra, điều đó cũng thể hiện người ứng tuyển rất năng nổ, nhiệt tình và giàu lòng nhân ái. Điều đó sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao. Vì vậy cũng có thể nói rằng thành tích hoạt động của các bạn càng nhiều cơ hội có việc làm của các bạn càng cao.

Chú ý, người viết không nên đề cập chủ yếu đến những hoạt động giải trí cá nhân theo sở thích,mà nên đề cập nhiều đến những hoạt động ngoại khóa giúp ích cho cộng đồng.

6. PERSONAL QUALITIES (KHẢ NĂNG CÁ NHÂN)

Một kết quả điều tra đã đưa ra thông tin rằng trong ba yếu tố: thái độ, khả năng làm việc, kỹ năng và kiến thức, nhà tuyển dụng đánh giá cao nhất thái độ, khả năng làm việc. Chính vì vậy phần khả năng cá nhân trong bản CV nên được các bạn trau truốt cẩn thận.

Các bạn nên dành thời gian và cố gắng để thể hiện khả năng phù hợp với công việc của mình. Hãy dồn sự tập trung vào công ty chứ không phải vào nhu cầu của bạn, chỉ bằng cách đó thông điệp của bạn mới “lọt tai” nhà tuyển tuyển dụng. Bởi Sarah Berry, tác giả của một trong những cuốn sách bán chạy nhất với tựa đề: “Viết bản CV hoàn hảo vào cuối tuần” đã phát biểu rằng: “Một bản CV chung chung sẽ nói: Tôi cần một công việc, hãy giúp tôi. Một bản CV tốt cộng với thư xin việc sẽ hướng đến nội dung: Tôi yêu công ty bạn, bạn đang có một vấn đề cần giải quyết và tôi là người tốt nhất làm nhiệm vụ này.”

Trong một CV cụ thể, người viết đã đưa ra hai khả năng nổi bật, hết sức cần thiết cho mọi công việc đó là”Sense of responsibility và carefulness”. Việc đưa “Sense of responsibility và carefulness” lên đầu câu mà không viết bình thường như: “My greatest strengths in all the works done are sense of responsibility and carefulness.” giúp cho bản CV của các bạn trang trọng và súc tích hơn. Đặc biệt mục đích chính của phép đảo ngữ này là nhấn mạnh đến hai khả năng thiết yếu ấy của người viết, khiến nhà tuyển dụng khó có thể bỏ sót.

Tuy nhiên, nếu người viết không chỉ liệt kê khả năng cá nhân đơn thuần như vậy mà giải thích thêm một chút về sự cần thiết và tính ứng dụng của khả năng ấy với công việc ứng tuyển thi hiệu quả sẽ cao hơn.

7. REFEREES (PHẦN ĐẢM BẢO)

Phần đảm bảo không phải là một phần bắt buộc nhưng nên có trong bản CV.

Bởi lẽ phần đảm bảo sẽ xác nhận cho các bạn những thông tin các bạn đưa ra là đúng sự thật và đáng tin cậy. Điều đó sẽ giúp gây dựng lòng tin của nhà tuyển dụng vào bạn và khiến họ thiện cảm hơn với bạn.

Thông thường các bạn phải được sự cho phép của người đảm bảo trước khi đưa thông tin của họ vào phần này.

Ngoài ra các bạn nên nhờ những người có học vị cao, có vị thế nhất định trong xã hội đảm bảo cho mình. Điều đó sẽ tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Ví dụ, người viết nên đưa ra chi tiết thông tin của người đảm bảo bao gồm: tên họ, chức vụ, nơi công tác, số điện thoại liên lạc và địa chỉ e-mail.

Ngoài ra phần trình bày cũng hết sức gọn gàng, rõ ràng.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *